Điện mặt trời nổi: Xu hướng mới trên thế giới

Được biết đến như xu hướng mới của ngành công nghiệp năng lượng, điện mặt trời nổi (Floating Solar System) bao gồm hệ thống tấm pin quang điện (Solar Panel) lắp cố định vào cấu trúc nổi trên nước. Địa điểm lý tưởng cho các dự án này là các vùng nước tĩnh lặng như hồ, đập nhân tạo.

Isarel là quốc gia tiên phong trong xây dựng và thí nghiệm công nghệ ĐMT nổi. Năm 2011, nhà sáng lập công ty Solar Synergy Yossi Fisher và Tiến sĩ Yuri Yokotov đã công bố ý tưởng về hệ thống pin mặt trời lắp trên cấu trúc bằng vật liệu nhựa và sợi thủy tinh siêu nhẹ thành “mô-đun giống như Lego”, liên kết với nhau theo dạng lưới. Phương pháp này giúp khắc phục 2 nhược điểm lớn của ĐMT truyền thống là chi phí sản xuất từ silicon và yêu cầu về mặt bằng, đồng thời đem về cho Solar Synergy giải nhất cuộc thi công nghệ sạch quốc gia (Isarel National Cleantech Open IDEAS) tại Đại học Tel Aviv.

Ưu và nhược điểm của điện mặt trời nổi

Ưu điểm đáng kể nhất của ĐMT nổi là tiêu tốn ít nguồn tài nguyên đất quý giá. Trong khi để có thể xây dựng nhà máy ĐMT với sản lượng 1GW (1GW=1.000 MW) cần diện tích mặt bằng lên tới khoảng 1.300ha (1,3 triệu m2), thì hệ thống ĐMT nổi lại có khả năng khai thác không gian trống của các công trình sẵn có như đập thủy điện hồ xử lý nước thải.

So với ĐMT truyền thống , ĐMT nổi tiết kiệm được diện tích lắp đặt dàn pin mặt trời, giảm suất đầu tư. Nó cũng làm tăng hiệu suất phát điện do được hơi nước làm mát. Bên cạnh đó, chi phí vận hành và bảo dưỡng (O&M) giảm. Việc lắp đặt pin quang điện trên nước cũng hạn chế nhu cầu chặt bỏ cây xanh và phát quang rừng. Đồng thời, khối nước bên dưới sẽ làm mát thiết bị nổi phía trên, giúp tăng 15-20% sản lượng điện khi phải liên tục hoạt động dưới nhiệt độ cao.

Tuy nhiên, giá thành triển khai đắt đỏ của hệ thống điện mặt trời nổi là rào cản lớn nhất đối với các quốc gia đang phát triển. Công nghệ mới đòi hỏi thiết bị chuyên dụng và đội ngũ kỹ sư chuyên trách. Hơn nữa, hệ thống điện mặt trời nổi chắc chắn sẽ bị di chuyển theo sóng và gió mạnh.

Hệ thống ĐMT cần phải có khả năng chịu đựng được những sức mạnh tác động của thiên nhiên. Hiện tại, thực tế hầu hết các nhà sản xuất tấm pin Mặt Trời vẫn chưa hoàn toàn tự tin để chắc chắn các sản phẩm của họ có thể đảm bảo chống ăn mòn từ nước mặn hay sương muối. Ngoài ra, các nhà đầu tư vào hệ thống này thường triển khai ở vùng nước rộng lớn, chỉ phù hợp nếu lắp đặt hàng trăm đến hàng ngàn tấm pin mặt trời (so với hệ thống năng lượng mặt trời dân dụng thường chỉ khoảng 20 tấm pin). Do đó, việc triển khai hệ thống điện mặt trời nổi cỡ nhỏ gần như bất khả thi.

Tiềm năng điện mặt trời nổi tại Việt Nam

Việt Nam sở hữu bờ biển dài, nhiều sông hồ, đặc biệt là hệ thống các hồ thủy điện đang vận hành. Đây là điều kiện hết sức thuận lợi cho việc triển khai các nhà máy điện mặt trời nổi. Quan trọng hơn, việc tác động ít tới quỹ đất đồng nghĩa với giảm được chi phí giải phóng mặt bằng để lắp đạt những tấm pin mặt trời.

Nhận thấy tiềm năng này, Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) đã có chủ trương đẩy mạnh phát triển công nghệ điện mặt trời nổi. Dự án đầu tiên tại Việt Nam được xây dựng tại hồ Đa Mi (Bình Thuận) đã đi vào hoạt động từ tháng 5/2019. Với công suất 47,5 MW có tổng mức đầu tư khoảng hơn 1.500 tỷ đồng, điện năng sản xuất bình quân dự kiến hơn 69 triệu kWh/năm đầu tiên.

Diện tích đất sử dụng cho Dự án, gồm phần trên mặt hồ khoảng gần 57 ha (lắp đặt panel mặt trời) và phần trên mặt đất khoảng gần 67 ha (xây dựng trạm biến áp, inverter và đường dây tải điện…). Đây là dự án nguồn điện độc lập chưa có tên trong danh mục nguồn điện của Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030. Do vậy, UBND tỉnh Bình Thuận đã đề nghị Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương) thẩm định và phê duyệt điều chỉnh bổ sung theo đúng quy định hiện hành.

Để lại một bình luận